-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Vụ Mua bán đặc biệt
25/09/2020
Tử vi là môn bói mệnh linh nghiệm huyền bí, được tổng hợp và hệ thống lần đầu tiên bởi Hy Di Lão tổ Trần Đoàn, sống vào thời Bắc Tống. Tương truyền, Trần Đoàn tiên sinh xem tinh tú trên trời đoán biết được vị Hoàng đế tương lai sắp giáng lâm, nhờ đó mà xảy ra vụ “mua bán” có một không hai trong lịch sử.
Tiên sinh họ Trần, húy là Đoàn, tự Hy Di, người đất Hoa Sơn, ngày nay về phía Nam huyện Hoa Âm tỉnh Thiểm Tây. Khi ra đời tiên sinh bị đẻ non tháng, nên mãi hai năm mới biết đi, thuở nhỏ thường đau yếu liên miên. Năm tám tuổi, tiên sinh tỏ rõ năng khiếu thiên bẩm nên được thân phụ hết lòng truyền khoa Thiên văn và Lịch số.
Một hôm, tiên sinh dẫn đệ tử ra sân xem Thiên văn, chợt kêu lên rằng:
– Kìa quái lạ không?
Đệ tử xúm lại nhìn theo tay tiên sinh chỉ thì thấy sao Tử Vi, Thiên Phủ đi vào địa phận của sao Phá Quân và Hóa Kỵ, mà ánh sáng chiếu xuống núi Hoa Sơn.
Tiên sinh nói :
– Tử Vi, Thiên Phủ là đế tượng, tức là vua. Tử Vi bao giờ cũng đi trước, Thiên Phủ bao giờ cũng theo sau. Đây tức là anh em một gia đình nào đó, đang buổi hàn vi, sau sẽ làm nên sự nghiệp vẻ vang, vị tới đế vương. Phá Quân là hao tinh chủ nghèo đói, Hóa Kỵ chủ bần hàn, kêu xin. Phá ngộ Kỵ thì nghèo đói phải đi ăn mày. Tử, Phủ gặp Phá, Kỵ tức hai vị Thiên tử chưa gặp thời phải đi ăn xin. Tất cả chiếu xuống Hoa Sơn, thì hai vị Thiên tử sẽ qua đất Hoa Sơn ăn xin. Vậy ngày mai các người theo ta xuống núi, giúp cho vị anh hùng vị ngộ, đang gặp lúc cùng khó.
Đệ tử thưa:
– Đệ tử nghĩ, nhân lúc Thiên tử chưa gặp thời, ta nên cho người vay nợ, để mai đây có dịp đòi nợ cứu giúp dân nghèo.
Tiên sinh đồng ý. Hôm sau thầy trò xuống chân núi thấy một đoàn người chạy loạn đi qua. Tiên sinh để ý đến một thiếu phụ gánh hai chiếc thúng, trong mỗi thúng có một đứa trẻ khôi ngô, dung quang khác thường. Tiên sinh biết hai đứa trẻ này ứng vào sao Tử, Phủ trên trời đây. Mới hỏi thiếu phụ:
– Bà ơi! Bà có mệt lắm không? Bà gánh hai vị Thiên tử đi đâu vậy?
Thiếu phụ đặt gánh xuống thưa:
– Con tôi đó, đứa lớn tên Triệu Khuông Dẫn, đứa nhỏ tên Triệu Khuông Nghĩa. Từ sáng đến giờ chúng đói không có gì ăn. Tiên sinh bố thí cho chút đồ ăn được không?
Tiên sinh đáp:
– Tôi xem thiên văn thấy dung quang hai con bà khác phàm. Bà có nhớ ngày giờ sinh của chúng không?
Thiếu phụ cho ngày giờ năm sinh của hai con. Tiên sinh tính số Tử Vi, thấy cách của Khuông Dẫn là Tử, Phủ, Vũ, Tướng được Tả, Hữu, Khoa, Quyền, Lộc củng chiếu. Ngặt đại hạn đang gặp Kiếp, Kỵ nên nghèo khó. Số của Khuông Nghĩa là Thiên Phủ lâm Tuất, ngộ Tả, Hữu, Khoa, Quyền đại hạn cũng đang gặp Kiếp, Kỵ nên nghèo khó. Tiên sinh nói với học trò:
– Hai đứa trẻ này là chân mạng đế vương, khi đại hạn đi đến gặp Khôi, Việt, Xương, Khúc, là lúc thành đại nghiệp đấy. Ta phải giúp đỡ mới được, hầu mua lấy cảm tình, lúc Thiên tử gặp thời, có thể nhân đó giúp dân vậy.
Tiên sinh nói với thiếu phụ:
– Tôi tính số thấy hai con bà sau đều làm vua. Khi đã làm vua rồi, thì tất cả giang sơn vạn dặm đều của con bà cả. Vậy bà bán cho tôi dải núi Hoa Sơn này lấy tiền mà tiêu.
Thiếu phụ tưởng ông đạo sĩ điên khùng nên mới đòi mua cả dải núi. Bà đồng ý bán. Bởi bà không biết chữ, nên xé vạt áo hai con quấn vào đôi đũa, nhét trong một ống đũa, coi như văn tự trao cho Hy Di tiên sinh và nhận mười nén vàng.
***
Năm 960, Triệu Khuông Dẫn thống nhất giang sơn, lên ngôi vua lập ra nhà Tống, sau là Tống Thái Tổ. Niên hiệu Càn Đức nguyên niên (963), quan trấn thủ vùng Hoa Sơn dâng biểu về triều rằng:
– Có một đạo sĩ tên Trần Đoàn, tự Hy Di bao dưỡng dân chúng không nộp thuế. Đạo sĩ nói rằng: Hoa Sơn là đất riêng của ông, đã được nhà vua bán cho rồi.
Tống Thái Tổ không nhớ chuyện cũ, nổi giận, sai bắt Hy Di tiên sinh vào triều trị tội. Nhưng quan địa phương rất kính trọng tiên sinh, không dám trói, còn đưa lừa cho tiên sinh cưỡi để lai kinh. Tiên sinh được giải vào triều kiến.
Thái Tổ hỏi:
– Đạo sĩ cũng phải tuân theo phép nước chứ? Hà cớ phao ngôn nói rằng đã mua đất của triều đình?
Tiên sinh đáp:
– Năm nay tôi đã trên 70 tuổi đâu dám nói dối. Luật lệ của bệ hạ là: Đời cha mẹ vay nợ, thì đời con phải trả. Trước đây Thái hậu qua Hoa Sơn, có bán cho bần đạo toàn vùng này lấy mười nén vàng. Văn tự vẫn còn đây.
Tiên sinh xuất trình ống đũa và vạt áo. Thái Tổ truyền đem vào hậu cung hỏi Thái hậu. Thái hậu nhớ chuyện cũ vội kêu lên:
– Vị Thần Tiên ở núi Hoa Sơn đây mà, người đã cứu nạn cho nhà ta xưa đây.
Thái hậu kể chuyện xưa. Thái Tổ và triều thần kinh sợ về tài tiên tri của tiên sinh, vội tạ lỗi, lưu tiên sinh lại kinh, kính như bậc thầy. Tống Thái Tổ hỏi tiên sinh về khoa Tử vi, tiên sinh rút ra trong bọc tập sách nhỏ đề “Tử vi chính nghĩa” trao cho Thái Tổ. Cuối cùng, tiên sinh dâng lên Thái Tổ một câu khi dùng tập sách này, đó là:
“Chữ Nhân, đừng nên dùng vào những việc ác độc, tổn âm đức”.
Tiên sinh được các quan xin coi Tử vi. Họ chỉ việc biên ngày sinh, tháng sinh, năm sinh và giờ sinh, tiên sinh sẽ kêu ra vị đó đang giữ chức vị gì trong triều, cùng sự lập thân ra sao, cuối cùng sự nghiệp sẽ kết thúc như thế nào. Triều thần không ai mà không kính phục.
Lời bàn:
Sự chính xác kỳ lạ của việc xem sao, lấy lá số tử vi cho thấy cuộc đời mỗi con người đã được Thiên Thượng an bài từ trước. Xét những việc lớn của đời người, thì trong mệnh đã chú định điều gì, nhất định sẽ có được. Trong mệnh đã không có thứ gì, dù có mệt mỏi truy cầu cũng vô ích mà thôi. Thế nên trong thời loạn lạc, Trần Đoàn tiên sinh nhìn qua là đã biết hai cậu bé ăn xin sau này ắt trở thành Hoàng đế.
Số mệnh của con người lại không phải an bài một cách ngẫu nhiên, mà là dựa trên quy luật Nhân Quả, thiện ác đều có báo ứng. Vậy nên Hy Di Lão tổ mới dặn dò Tống Thái Tổ phải biết giữ lòng nhân, hành thiện tích đức, thế thì đời sau mới tiếp tục được hưởng phú quý vinh hoa.
Thịnh suy của thời đại, vận hạn của đời người tương ứng với sự vận hành của các vì tinh tú, điều này lịch sử Trung Quốc và Việt Nam đã chứng thực qua vô số trường hợp. Tư tưởng Thiên Nhân hợp nhất của người xưa uyên thâm và minh triết, dẫu khoa học phương Tây hiện đại chưa giải thích được, nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại.
Tất cả những điều trên cho chúng ta cảm nhận thấy sự tồn tại của Thiên Thượng, cũng như mối liên hệ mật thiết vô hình giữa con người và Thần linh, giữa thế gian và Thiên quốc. Phải chăng con người thế gian là đến từ Thiên Thượng? Liệu có một con đường (Đạo) có thể giúp con người trở về Thiên Thượng hay chăng?
Khiêm Từ
(Tham khảo: Tử vi chính nghĩa – Hy Di liệt truyện)