Tôn Sư Trọng Đạo .. Bao giờ cho tới ngày xưa

25/09/2020
ton-su-tro-ng-da-o-bao-gio-cho-to-i-nga-y-xua

Xã hội phát triển, nhà giáo có hẳn một ngày để kỷ niệm, hay xã hội suy đồi, nhà giáo chỉ còn một ngày để được tôn vinh? Có người sẽ nói câu hỏi này thật là cắc cớ, nhưng ngẫm lại, quả thật ngày nay, hai chữ Người Thầy đã mất đi âm hưởng uy nghiêm và cao quý ban đầu rồi.

Đứng ở trước cổng trường đón con, các bậc phụ huynh có thể nghe thấy bạn bè con em mình nói chuyện với nhau về các thầy cô với những đại từ như “bà”, “ông”, hay còn cả “mụ ấy”, “lão ấy”, thậm chí có cả những từ ngữ kinh khủng hơn nữa. Những câu chuyện gây sốc vẫn được truyền thông khai thác càng làm xã hội thêm lo ngại và bức xúc, nào là học trò đánh thầy, chặn đường chửi cô giáo, hay thầy giáo dâm ô học sinh, cô giáo bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng, thầy cô gọi học sinh là mày, thậm chí là… “lợn”.

Môi trường giáo dục cũng ngày càng khiến người ta hoang mang khi học trò đi học chỉ vì điểm số, thành tích, thầy giáo đi dạy chỉ vì tiền và danh. Cung cầu gặp gỡ, chẳng biết cái nào có trước, nhưng cuối cùng thì giáo dục cũng trở thành nơi bán buôn, ai cần điểm có điểm, ai cần bằng có bằng, chỉ cần có tiền, mối quan hệ là được.

Quan hệ thầy – trò đã không còn là “Thầy trò như cha con” (Sư đồ như phụ tử), hay “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha” (Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ) nữa rồi. 

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên.

Người xưa sở dĩ có thể đối đãi như vậy, bởi người thầy là người truyền thụ các luân lý đạo đức, tri thức và quan niệm về giá trị, dạy người ta cách đối nhân xử thế, và là hình mẫu về đạo đức chuẩn mực. Trong sách “Lễ ký – Học ký” có nói: “Thầy nghiêm thì Đạo được tôn kính. Đạo được tôn sùng, thì dân biết kính trọng sự học”. Duy hộ sự tôn nghiêm của đạo làm Thầy, chẳng những thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, yêu cầu lời nói, hành động chuẩn mực, mà trọng yếu là trong tâm của cả thầy lẫn trò đều phải kính cẩn, nghiêm khắc, tôn trọng đạo học, biết được tầm quan trọng của đạo học và mục đích đi học là để làm gì.

Xưa người thầy đi dạy, chính là dùng đức của mình mà truyền đạt tri thức cho học trò, chỉ với một tâm niệm là có người nối tiếp và lưu truyền những giá trị phổ quát cho đời sau. Đó là cái vô tư không màng danh lợi, chỉ có khi ta tự nhận lấy sứ mệnh của mình, như “Trời vô tư che chở vạn vật, Đất vô tư ôm chứa vạn vật, nhật nguyệt vô tư soi chiếu cho vạn vật” vậy.

Còn học trò đi học là vì để biết cách làm người, bởi: “Muốn có năng lực, ắt phải học tập. Muốn có tri thức, ắt phải vấn hỏi. Muốn hành thiện sự, ắt phải tỏ tường. Muốn được no đủ, ắt phải dự liệu. Đã tin thế rồi, thì liền thực hành…” – (Khổng Tử). Từ việc lo được cho bản thân biết cách sống trên đời, rồi đến có thể làm được thiện sự, chuyện đại nghĩa cho người khác, cho xã hội… tất cả đều phải nhờ học tập mà nên.

Hơn nữa, đi học trước hết là học cái đức của thầy. Xưa Công Minh Tuyên đến học thầy Tăng Tử, ở nhà thầy ba năm mà không mấy khi đọc sách. Tăng Tử gặng hỏi, Công Minh Tuyên thưa rằng: “Thưa thầy, con vẫn học. Con thấy: thầy ở trong nhà, trước mặt song thân, lúc nào cũng hiếu thuận, hòa nhã, cho đến giống vật như chó mèo thầy cũng không quở mắng bao giờ. Thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lễ độ, kẻ dở người hay, ai nấy đều thiếp phục. Thầy ở triều đình, đối với kẻ dưới, bề ngoài rất là nghiêm trọng, mà trong bụng rất là nhân từ, không có ý hại ai bao giờ. Ba điều ấy, con lấy làm vui lòng, học mãi mà chưa được. Con đâu dám không học mà cứ ở cửa nhà thầy” – (Cổ học tinh hoa).

Với tinh thần đó, cả thầy và trò đều cung kính trước đạo học, mà cơ bản nhất chính là đạo đức làm người.

Ảnh: BaoHaiDuong.

Người Việt xưa rất trọng đạo đức của người thầy lẫn người trò, Luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông (1442-1479) có ghi: “Làm thầy và trò đều phải hết đạo. Thầy trước tiên phải ngay mình để làm gương cho học trò. Học trò phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường thực học, lấy đức hạnh làm gốc”.

Bộ luật cũng quy định: “Học trò quên ơn thầy, coi thường thầy thì bị phạt suốt đời không được đi thi”. Đối với những người biết hối cải, Bộ luật cũng có khoan hồng cho: “Nếu biết tạ lỗi, làm đẹp lòng thầy thì cũng tha cho”, nhưng với nghề làm thầy thì dứt khoát không thể tha thứ cho người đã từng không trọng thầy mình: “Học trò vô lễ với thầy suốt đời không được làm thầy dạy học”.

Ngày nay, vì quan niệm đã quá lệch lạc, người đi học vì để sau này có tương lai tốt, kiếm được nhiều tiền, đạt được danh vị, người đi dạy lại coi đó là một cái nghề để kiếm tiền như bao nghề nghiệp khác, mà không hiểu dạy học là một sứ mệnh dưỡng thành nên thế hệ tương lai. Thế nên, quan hệ thầy trò đã trở thành quan hệ mua bán, hai bên ngang hàng phải lứa với nhau.

Nếu để trả lời cho câu hỏi vì sao thầy trò ngày nay đã quá khác xưa, thì đơn giản là bởi mục đích đi học, đi dạy đều đã khác xưa rồi.