-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Quân tử nên Nhân Hậu...và ...
25/09/2020
Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử mà không nhân hậu, cũng có chứ! Chưa từng có kẻ tiểu nhân mà lại nhân hậu” (Luận Ngữ).
Bởi vì người quân tử là người đang dấn thân trên con đường đạo đức, đang tu dưỡng bản thân để đạt tới chí Thành chí Thiện, nên đôi khi hành vi của họ còn chưa được nhân hậu, tế nhị. Còn kẻ tiểu nhân thì chưa bước trên con đường đạo đức, tâm ý vẫn chỉ đặt vào tư lợi, nên thường hay bất nghĩa bất nhân.
Nên cũng nói, nhân hậu tế nhị là chuẩn mực mà các bậc quân tử xưa nay cùng hướng đến.
Giữ thể diện cho người hối lộ mình
“Quốc Văn Giáo Khoa Thư – Lớp sơ đẳng” có chép chuyện ông Trịnh Đàm Toàn là một vị quan thanh liêm, có tiếng là người nhân từ trung hậu, chỉ siêng việc nước giúp dân yên, hết lòng bênh vực những kẻ hèn yếu. Thường ai cho gì ông cũng không lấy. Một ngày kia, có người đem lễ một bao trà, ông không muốn nhận, nhưng vì người kia cứ nói mãi nên ông nể lòng, bảo cất đi.
Đến khi ông mở ra xem thì thấy trong bao trà toàn là những đồ vàng cả. Ông không nói gì, lại đậy nắp lại, rồi cho gọi người ấy đến mà bảo rằng: “Vừa rồi ta tưởng hết trà uống, mà nhà ngươi lại có lòng tốt đem cho, thì ta lấy. Nhưng bây giờ xem ra thì trong nhà hãy còn đủ uống”.
Nói xong, ông đưa bao trà trả lại. Trả rồi, ông cũng không tỏ cho ai biết là người ấy đến cầu cạnh mình.
Ấy, không những ông là một người làm quan thanh liêm mà lại có tính hồn hậu, không hay đem chuyện bí mật của người ta mà thổ lộ ra ngoài.
Tự nguyện mang tiếng xấu, cảm ơn người trách mình
Trong bài viết “Nhà giáo họ Khổng”, học giả Nguyễn Hiến Lê có ghi lại một câu chuyện về đức khiêm tốn và tế nhị của Khổng Tử như sau:
Vua Chiêu Công nước Lỗ cưới một thiếu nữ nước Ngô cùng họ, như vậy là trái lễ. Quan tư bại (cũng như thượng thư bộ hình) có ý chê Chiêu Công, hỏi Khổng Tử:
– Vua Chiêu Công biết lễ không? Ông đáp:
– Biết.
Rồi lui vào nhà trong.
Quan tư bại lại gần Vu Mã Kì, một môn đệ của Khổng Tử, bảo:
– Tôi nghe nói người quân tử không thiên vị; thì ra người quân tử [trỏ Khổng tử] cũng thiên vị ư?
Vu Mã Kì đem lời ấy kể lại với thầy, Khổng Tử chỉ đáp:
– Khâu này thật may mắn; nếu có lỗi điều gì thì mọi người đều biết (Thuật nhi – 30).
Ông cũng biết rằng vua Chiêu Công làm một việc trái lễ, nhưng không nỡ chê vua của mình trước mặt người khác; sẵn lòng nhận lời trách của quan tư bại, chứ không cãi, mà còn tỏ ý mang ơn quan tư bại đã vạch lỗi của mình nữa. Phải là bậc đại hiền mới có thái độ như vậy được.
Nhân hậu tế nhị là người quân tử
Trong tín ngưỡng truyền thống của người Á Đông, hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm tay nâng bình nước Cam Lồ, tay cầm nhành dương liễu được thế nhân bao đời kính ngưỡng. Nhành dương liễu trong tay Bồ Tát là loại cây mềm dẻo mà lại kiên cường, có thể tùy duyên mà không chịu khuất phục, tượng trưng cho đức “Nhẫn” mà người tu luyện Phật gia hướng đến, cũng là biểu hiện của khoan dung, nhân hậu, tế nhị mà người quân tử truy cầu.
Người quân tử cũng thường được ví như trúc, mới sinh ra đã ngay thẳng mà có đốt thành tro cũng vẫn thẳng ngay. Thân trúc tuy thẳng mà mềm dẻo, cũng như người quân tử bên trong thì chính trực, bên ngoài thì tế nhị khoan dung.