-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Một chữ " Kính " Đi dọc ngang thiên hạ
25/09/2020
Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng, mới có thể phán đoán phân minh sự tình; người không tự khen mình, công lao của người này mới được khẳng định; người không kiêu ngạo mới có thể thành đại sự”.
Một chữ Kính đi khắp thiên hạ, đến đâu cũng sẽ gặp điều may. Rất nhiều câu chuyện trong lịch sử đã minh chứng điều ấy.
Cung kính khiêm nhường, quả nhiên đỗ đạt
Viên Liễu Phàm thời Minh cùng chín người trong huyện đi thi tiến sỹ, trong đó có một vị tên là Đinh Kính Vũ trẻ tuổi nhất, là người khiêm nhường, lễ nghĩa. Viên Liễu Phàm liền bảo với người bạn tên Phí Cẩm Pha rằng: “Đinh Kính Vũ năm nay nhất định thi đỗ tiến sỹ”.
Phí Cẩm Pha nói: “Làm sao mà biết được?”
Viên Liễu Phàm đáp rằng: “Khiêm nhường được phúc. Anh xem xem trong mười người chúng ta, có ai khiêm tốn bằng Đinh Kính Vũ, luôn giữ chữ tín, cung cung kính kính. Trước đám đông, cậu ấy không kiên quyết giữ thành kiến của mình, có thể lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác mà không hề tỏ chút kiêu ngạo. Dù là chuyện rất nhỏ, cậu ấy cũng nghĩ cho người khác, vì thuận tiện cho người khác, điều này quả thực khó có được! Một người có thể đạt được cảnh giới cao như vậy, Thần linh cũng sẽ bảo hộ cậu ấy, sao có thể có đạo lý thi trượt được!”
Đến lúc công bố danh sách, Đinh Kính Vũ quả nhiên thi đỗ.
Cung kính tự hạ mình, gia tộc hiển vinh
Trương An Thế, tự là Tử Nhụ, là đại thần vào thời Tây Hán. Ông là người trung tín cẩn thận, chuyên cần chính sự, không quản ngày đêm. Một lần, các đại thần trong triều tiến cử Trương An Thế làm Quang lộc huân, Hoàng thượng cũng muốn trọng dụng cha con họ.
Trương An Thế khi nghe nói Hoàng thượng còn muốn gia quan tiến tước cho mình thì rất không dám nhận, liền cầu kiến Hoàng đế, khấu đầu nài xin, nói rằng bản thân không đủ khả năng đảm nhiệm quan vị trọng yếu như thế, hy vọng Hoàng thượng bảo toàn tính mệnh cho mình.
Hoàng thượng cười nói: “Ngươi quá khiêm nhường, nếu ngươi mà không làm được, thì ai làm được?”
Trương An Thế vẫn kiên định từ chối, Hoàng thượng tuyệt không đáp ứng. Sang ngày hôm sau, Hoàng đế phong Trương An Thế làm Đại tư mã Xa kỵ tướng quân, kiêm chức Thượng thư sự, sau này cải thành Vệ tướng quân.
Trương An Thế luôn mặc áo hắc đề mà phu nhân tự tay may cho (màu đen tỏa ra tính cách khiêm nhường). Ông thấy bản thân và con trai đều tôn quý hiển diệu, trong lòng mãi bất an, cho nên từng xin Hoàng đế bổ nhiệm cho con trai làm quan ở bên ngoài triều đình.
Trương An Thế tuy quyền cao chức trọng, nhưng vẫn cẩn thận kín đáo mà sáng suốt, trong ngoài không thiếu sót, trước sau khiêm cung không kiêu ngạo, sử sách ca tụng ông là “Tròn đầy mà không phóng túng” (Mãn mà không dật). Hoàng đế rất tín nhiệm và kính trọng ông, sau khi qua đời đã tặng ông Ấn thụ, cho xe ngựa và lính bảo vệ tống tiễn, gọi ông là “Kính Hầu”. Con cháu của ông kế thừa đức tính khiêm cung của ông, cũng đều được triều đình trọng dụng.
Kính cẩn ở cả nơi không người, thoát đại kiếp nạn
Vào thời Xuân Thu, có một vị đại thần của nước Tấn tên là Triệu Tuyên Tử. Bấy giờ, vua nước Tấn là Tấn Linh Công bỏ bê triều chính, lại ham mê tửu sắc, xây cất cung điện và giết người vô tội, nên Triệu Tuyên Tử luôn đi khuyên bảo Tấn Linh Công. Lâu ngày Tấn Linh Công cảm thấy rất phiền nhiễu, bèn thuê sát thủ giết Triệu Tuyên Tử.
Tên sát thủ tên là Sừ Nghê, khi đến trước cửa nhà Triệu Tuyên Tử, thấy Triệu Tuyên Tử vẫn chưa vào chầu nhưng đã ăn mặc rất chỉnh tề, dáng vẻ trang nghiêm kính cẩn, đang ngồi đó mắt lim dim dưỡng thần. Sừ Nghê thấy vậy thì vô cùng cảm động, sinh lòng sùng kính đối với Triệu Tuyên Tử. Sừ Nghê trong lòng thầm nghĩ: Một người đến một việc nhỏ thế này mà đã rất cẩn thận, khiêm cung, thì nhất định là rường cột của đất nước. Nếu như giết ông đi rồi, mình sẽ có lỗi với quốc gia. Nhưng ta đã nhận lệnh của quân vương, nếu ta không giết Triệu Tuyên Tử, ta lại thất tín với quân vương.
Thế là ngay lúc đó, Sừ Nghê đập đầu vào thân cây tự sát.
***
Cổ nhân có câu rằng: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Người mà trong tâm thành kính, bên ngoài sẽ biểu hiện ra sự khiêm cung lễ độ, khiến cho người khác đều muốn thân cận gần gũi, sẵn lòng chỉ bảo và tương trợ.
Tôn kính với người thường được người tôn kính lại, tôn kính Thiên Địa thì được Thần linh che chở, tôn kính vạn vật đi khắp thiên hạ đều gặp điều may.
Kiêu ngạo là ngọn nguồn của tội lỗi, cung kính là gốc rễ của phúc lành. Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng, mới có thể phán đoán phân minh sự tình; người không tự khen mình, công lao của người này mới được khẳng định; người không kiêu ngạo mới có thể thành đại sự”.