-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Ma Quỷ chỉ sợ người chính trực
25/09/2020
Có câu nói rằng: “Người không làm chuyện trái lương tâm, nửa đêm không sợ quỷ gõ cửa”. Trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam có rất nhiều câu chuyện là minh chứng cho câu nói này.
Giữa lằn ranh sinh tử, nên trân quý sinh mệnh
Ở Thái Hồ có một gia đình ngư dân tổ chức hôn sự cho con gái. Khi thuyền chở cô dâu đến giữa hồ thì bỗng nhiên gặp sóng to gió lớn khiến chiếc thuyền chao đảo ngả nghiêng. Người cầm lái thì sợ hãi cuống quýt không biết làm thế nào, còn đoàn người đưa dâu thì ôm nhau khóc lóc. Giữa lúc nguy cấp ấy, cô dâu giật đứt chiếc rèm rồi hiên ngang bước ra, một tay cô cầm lái, một tay kéo dây hạ buồm. Chiếc thuyền ngược gió lại lướt như bay, vẫn kịp giờ đến nhà chú rể. Khắp vùng Động Đình đều coi đây là một kỳ tích, người này truyền người kia, ai ai cũng bàn tán xôn xao.
Có người nói: “Cô gái ấy là phận nữ nhi, đáng lẽ phải trùm khăn che kín mặt, ngồi e lệ trong buồng dành cho cô dâu. Vậy mà lại cả gan đứng ra chèo lái con thuyền, bất tuân quy định lễ nghi, chẳng phải rất đáng chê cười hay sao?”.
Nhưng cũng có người lên tiếng: Khi đối mặt với sự sống chết của bao nhiêu sinh mạng, há lại bắt cô gái ấy phải ngồi yên hay sao? Cô dâu vốn là con gái gia đình ngư dân, ngày ngày cầm sào khua mái chèo, hiên ngang vẫy vùng nơi sông nước. Vậy nên chỉ cô gái ấy mới có đủ dũng khí để lèo lái con thuyền, cứu nguy cho cả đoàn tiễn dâu. Còn như cứ bắt cô ấy phải ngồi yên một chỗ, tuân thủ lễ nghi của hôn lễ, thì chẳng phải là “đợi chết” hay sao?
Lại có câu chuyện kể về vị tiểu thư trong gia đình họ Tiêu, có chàng trai hỏi cô làm vợ và đã trao gửi lễ hứa hôn. Nhưng một người kia muốn lấy Tiêu tiểu thư làm vợ bé nên đã bịa đặt tin đồn về cô. Gia đình nhà chú rể tưởng thật liền muốn từ bỏ hôn ước. Tiêu lão gia không đành lòng bèn thân chinh đến quan phủ khiếu kiện. Thế nhưng kẻ gieo rắc tin đồn kia đã sắp đặt kín kẽ, không những đưa ra chứng cứ đầy đủ mà còn có người thừa nhận từng quan hệ với cô gái.
Tiêu tiểu thư thấy sự tình khẩn cấp, bèn mời bà cụ hàng xóm dẫn cô đến nhà chú rể. Cô đến trước mặt bái kiến mẹ chồng tương lai và nói: “Trinh nữ khác với phụ nữ có chồng, còn trinh tiết hay không là có thể kiểm chứng. Con đã chịu mất thể diện chốn cửa quan, nhưng vẫn không tránh được bị vu cáo hãm hại, chi bằng con chịu mất thể diện trước mặt mẹ”. Thế rồi cô đóng cửa cởi y phục để mẹ chồng tương lai kiểm nghiệm, nhờ đó mới chứng minh được trinh tiết của mình.
So với chuyện ‘cô dâu chèo thuyền’ thì cách làm của Tiêu tiểu thư quả là không hợp với lễ nghi. Nhưng khi phải đối mặt với sinh tử tồn vong hay thanh danh thể diện của cả một đời người, thì cô không thể không làm như vậy. Con người là trân quý, lễ nghi truyền thống dẫu sao cũng không thể đặt lên trên sự sống còn của sinh mạng. Dùng lời thuyết giảng của Phật gia thì chính là: “Phải trân quý sinh mệnh”.
Ma quỷ sợ người chính trực, trông thấy liền sợ hãi bỏ chạy
Quan tuần phủ Hồ Thái Hư là người có khả năng nhìn thấy ma quỷ. Ông kể rằng trong lúc sửa sang nhà cửa ông đã đi tuần tra nơi ở của các gia nhân, đến bất cứ phòng ốc nào ông đều thấy có ma quỷ ra vào. Duy chỉ có căn nhà của một người hầu nọ là không có ma quỷ. Ông cho người dò hỏi mới biết, người hầu sống trong căn nhà này vốn ngu si đần độn, vợ anh ta cũng chỉ là một nữ tỳ bình thường. Sau này khi người hầu ấy qua đời, vợ anh ta ở vậy thủ tiết cả đời, xứng đáng là một bậc tiết phụ trung trinh.
Những bậc tiết phụ, nếu không có chí hướng kiên định thì chẳng thể ngậm đắng nuốt cay chịu khổ mấy chục năm trời. Trong lòng tiết phụ có chính khí, chính khí ấy đã được tích lũy qua thời gian lâu dài, tạo thành một sức mạnh vô hình khiến ma quỷ không dám đến gần họ.
Trong nhà thường có ma quỷ qua lại, nếu ở khuê phòng nam nữ ân ái thân mật thì nhất định có bầy ma quỷ vây quanh xem, chỉ trỏ cười đùa. Nhưng người trần mắt thịt nhìn không thấy, nghe không thấy, nên mới cho đó là chuyện hoang đường. Cũng có kiểu người mà ma quỷ hễ nhìn thấy là sợ hãi bỏ chạy, đó chính là những bậc như liệt phụ, tiết phụ, hoặc hiếu phụ, hiền phụ. Bởi ma quỷ vốn sợ người chính trực, hễ gặp liền kính cẩn tránh xa.
Kẻ cờ bạc sau khi chết nhận sai, thống hận bản thân
Vương Liên Thăng có một người con trai tên là Vương Kính, từng làm việc trong một hiệu cầm đồ. Một đêm, không rõ vì cớ gì mà Vương Kính treo cổ tự sát trên lầu. Mẹ và em trai anh ta cũng không biết nguyên nhân cái chết, chỉ biết rằng sau đó linh hồn của Vương Kính đã nhập vào vị phu nhân sống bên cạnh hiệu cầm đồ. Ban đầu khi Vương Kính mới nhập hồn, ai cũng cho rằng người bệnh nằm trên giường hôn mê nói sảng, nhưng khi Vương Kính kể ra những chuyện trong đời và chuyện của thân bằng cố cựu, lời nói ngữ điệu đều là của Vương Kính, thì ai nấy mới tin là thật.
Vương Kính nói với mẹ và em trai rằng: “Tôi vì đánh bạc thua mà chết, các người sao lại đòi ông chủ tiền phí mai táng nhiều như vậy? Như thế chỉ khiến tôi thêm hổ thẹn với lòng mình. Hôm nay tôi nói rõ: ‘Đây không phải là ý của tôi’”.
Có người hỏi anh ta: “Anh có hận người đòi nợ anh không?”.
Vương Kính nói: “Không hận. Nếu anh nợ tiền tôi thì tôi có thể không đòi sao? Họ đòi tôi tiền là do tôi nợ họ. Nợ thì phải trả”.
Người ta lại hỏi: “Chẳng lẽ anh không hận những người dụ dỗ anh đánh bạc?”.
Vương Kính trả lời: “Cũng không hận. Tay là tay tôi, tôi không chơi thì ai có thể kéo tay tôi đánh bạc được? Hiện nay tôi đã an lòng, tự làm tự chịu, đợi chờ số phận mà thôi”.
Có người nói: “Con quỷ Vương Kính này không mất hết lương tâm, còn có thể cải tà quy chính, đời sau làm người ắt sẽ có thiện báo. Một đời cần phải trân quý, không được đi sai đường lạc lối”.
Con quỷ chính phái ghét nghe lời xu nịnh
Có người là con em nhà thế gia, ban đêm vội đi trong rừng sâu không may bị lạc đường. Đến một cái hang động, anh ta bất đắc dĩ vào đó nghỉ ngơi thì thấy một vị tiên sinh là bậc tiền bối trong họ đã mất từ lâu đang ngồi ở trong hang. Anh ta sợ quá không dám bước vào. Vị tiên sinh mời mọc mãi, anh ta mới can đảm bước tới bái kiến.
Con em nhà thế gia hỏi: “Mộ tiên sinh ở đâu, tại sao ông lại ở đây một mình như thế?”.
Vị tiên sinh than rằng: “Khi còn sống ta không có lỗi lầm gì, lúc đi học thì người ta nói sao mình nói vậy, khi làm quan cũng an phận giữ chức vụ, nên không có công trạng gì. Không ngờ sau khi mai táng được vài năm, trước mộ của ta xuất hiện một tấm bia đá lớn. Trên bia chạm khắc long ly và văn tự, cùng với họ tên chức vụ của ta. Những điều viết trên bia văn cũng có một chút căn cứ, nhưng đều phóng đại khoa trương lên quá sự thực. Ta cả đời thật thà vụng về, trong tâm luôn thấy không yên rồi. Hơn nữa người đi qua đây đọc được, thường vì thế mà châm chọc giễu cợt. Quỷ hồn tụ tập lại xem, lại càng chê cười hơn. Ta nhẫn chịu không được những lời om sòm đó nên lẩn tránh đến đây. Chỉ khi lễ tết thờ tế tảo mộ ta mới qua đó nhìn con cháu thôi”.
Con em nhà thế gia khéo léo an ủi ông ta rằng: “Cha mẹ nhân từ con hiếu kính, nếu không ca ngợi công đức của người đã khuất thì không đủ khiến cho thân nhân nở mày nở mặt. Thái Trung Lang – bậc danh sỹ đời Đông Hán – còn không thể tránh được có chút văn tự không chân thực, Hàn Lại Bộ – bậc danh sỹ đời Đường – cũng đã từng tâng bốc người đã khuất. Xưa nay những trường hợp như thế này cũng nhiều, tiên sinh hà tất phải bận lòng?”.
Vị tiên sinh đó nghiêm khắc nói: “Thị hay phi đều ở trong tâm của mọi người. Kẻ khác cứ cho là có thể lừa dối được, nhưng tự hỏi lòng mình mới thấy thật hổ thẹn. Hơn nữa còn có công luận, lừa bịp, nói dối, tâng bốc, phóng đại thì nào có ích gì? Muốn thân nhân vẻ vang thì bản thân mình phải tự xây dựng công lao sự nghiệp, sao phải dùng những lời khoa trương khiến người ta phỉ báng? Ta thật không ngờ kiến thức của lũ hậu sinh lại như thế này”.
Nói rồi, vị tiên sinh giũ tay áo ra đi.
Tự mình đùa giỡn mình
Ở phủ Đông Xương có vị thư sinh nọ. Một lần đi qua cánh đồng, anh bỗng thấy xuất hiện một ngôi nhà to lớn tráng lệ, trong lòng anh thầm nghĩ: “Đây vốn là mộ nhà người ta, ngôi nhà to đẹp thế này từ đâu ra? Chẳng lẽ là hồ ly biến hóa đó ư?”.
Anh ta đã nhiều lần nghe chuyện Thanh Phượng, Thủy Tiên… trong Liêu Trai Chí Dị, nên trong lòng thầm hy vọng sẽ gặp được mỹ nhân như thế. Nghĩ vậy, anh ta bèn đi đi lại lại quanh đó mà không muốn trở về nhà.
Một lúc sau có cỗ xe ngựa từ phía Tây chạy đến, trang hoàng rất hoa mỹ. Một phụ nữ trung niên kéo rèm lên chỉ vào người thư sinh và nói: “Vị lang quân này rất tốt, hãy mời anh ấy vào nhà”.
Thư sinh nhìn thấy sau xe có một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần nên vui mừng lắm. Sau khi vào cổng lại có hai nha đầu đến mời. Thư sinh biết là hồ ly nên không hỏi tên tuổi gia tộc mà chỉ lặng lẽ đi theo họ. Trong nhà không có chủ nhân ra tiếp đón, chỉ thấy trên bàn bày biện rất hào hoa, sơn hào hải vị rất thịnh soạn. Thư sinh đợi cô dâu ra uống rượu giao bái, trong lòng như có lá cờ phấp phới bay bay.
Đến đêm, tiếng tiêu tiếng trống vang lên náo nhiệt, Một cụ già vén rèm lên, bước ra chắp tay thi lễ rồi nói: “Chàng rể mới đến ở rể, nay đã vào cổng rồi. Tiên sinh là người đọc sách nhất định thông thuộc lễ nghi hôn lễ, xin giúp chúng tôi tiếp đãi tân khách. Đó là vinh hạnh lớn không gì bằng của gia tộc chúng tôi”.
Thì ra “chàng rể” là một kẻ khác chứ không phải mình! Trong lòng thư sinh quá đỗi thất vọng, nhưng vì đã cơm rượu no nê nhà người ta nên cũng không tiện cáo từ. Anh ta đành phải giúp họ hoàn thành hôn lễ, xong xuôi cũng chẳng nói lời từ biệt mà trở ngay về nhà. Vì thư sinh đã mất tích một ngày một đêm nên người nhà anh ta đang nhớn nhác tìm kiếm khắp nơi. Nay thấy thư sinh trở về, rồi lại nghe anh ta ấm ức kể lại đầu đuôi câu chuyện, người nhà ai nấy đều vỗ tay cười rằng: “Không phải là hồ ly đùa giỡn anh mà chính anh đang đùa giỡn mình mà thôi”.
Lại có người tên là Lý Nhị Hỗn, nghèo đến mức không nuôi sống nổi bản thân nên phải lang thang đến kinh thành kiếm miếng ăn. Trên đường gặp một thiếu phụ cưỡi lừa, Lý Nhị Hỗn thừa dịp bắt chuyện, rồi dần dần trêu đùa nàng ta. Thiếu phụ không trả lời, cũng không tức giận. Hôm sau anh ta lại gặp lại thiếu phụ, nàng không nói gì mà chỉ ném chiếc khăn mùi xoa cho anh ta rồi cưỡi lừa quay đi. Nhị Hỗn mở khăn mùi xoa ra thấy có chiếc trâm bạc và đôi khuyên tai cũng bằng bạc. Vừa hay lúc ấy trong túi đã hết nhẵn tiền, anh ta bèn đem ‘tín vật’ của nàng đến hiệu cầm đồ. Thì ra mấy thứ trang sức bằng bạc đó là của hiệu cầm đồ vừa bị mất trộm đêm qua, nên Nhị Hỗn bị đánh cho một trận nhừ tử, đành phải thừa nhận mình ăn trộm. Có người nghe được chuyện này, bèn chép miệng nói rằng: Chẳng phải Nhị Hỗn bị hồ ly đùa giỡn đó sao?
Thu Nguyên nói: “Nếu Nhị Hỗn không trêu đùa thiếu phụ thì sao rơi vào hoàn cảnh ấy được? Thật không ngoa khi nói rằng đó là vì anh ta tự đùa giỡn chính mình”.
(Theo “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam)