Dịch Sốt xuất huyết bùng phát 2017 và cách phòng tránh

25/09/2020
dich-sot-xuat-huyet-bung-phat-2017-va-cach-phong-tranh

Ba trường hợp bệnh nhi tử vong vì sốt xuất huyết tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) do sốc nặng, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hoá.

 

Thông tin này được TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết trong ngày 25-7, trước tình trạng bệnh nhân mắc căn bệnh này tăng đột biến trong những ngày vừa qua.

Cụ thể, tính từ đầu năm, đã có gần 2.000 ca sốt xuất huyết nhập viện tại BV Nhi Đồng 1, tăng cao trong hai tháng gần đây. Hiện tại, BV có 110 ca đang điều trị, trong đó chỉ có 9 ca sốc. Bệnh nhân nằm khá đông khiến BV rơi vào tình trạng quá tải. Trong đó, bệnh nhân ở tỉnh chiếm 45%.


Trẻ bị sốc vì sốt xuất huyết. (Ảnh minh hoạ)


Trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết tăng cao trong tháng 7.

"Nếu những tháng trước chỉ 30-40 ca thì nay đã có 80-90 ca sốt xuất huyết nhập viện trong một tuần. So với cùng kỳ tháng 7 năm ngoái tăng gần gấp đôi, số ca sốc cũng tăng cao. Có trường hợp cả 3-4 người trong gia đình cùng mắc bệnh, hết người này xong đã đến người khác" – BS Tuấn chia sẻ.

Theo các BS, tình trạng quá tải một phần là do tâm lý người dân thường lo sợ nên đưa con thẳng đến tuyến trên cũng như công tác lọc bệnh nhân tại các cơ sở y tế địa phương chưa thực sự hiệu quả. Việc điều trị quá đông có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo.

Phần lớn các bệnh nhi đã nhập viện điều trị sốt xuất huyết năm nay đều bị giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu, triệu chứng của xuất huyết. Nặng hơn, bệnh nhi có thể bị sốc.


Trưởng khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi Đồng 1 cho biết trong tháng 7, mỗi tuần BV tiếp nhận đến 80-90 ca bệnh SXH, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

"Triệu chứng sốc ở trẻ là lừ đừ, mệt mỏi, bứt rứt, tay chân lạnh, tụt huyết áp. Nếu chậm trễ điều trị sẽ không đo được huyết áp. Trẻ bị sốt xuất huyết dễ thấy nhất là xuất huyết ngoài da, chảy máu răng, máu mũi, với bé gái có thể xuất huyết âm đạo. Nặng hơn bệnh nhân có thể bị suy đa cơ quan, suy hô hấp, tổn thương não" - BS Tuấn nói.

Trưởng khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 cho hay, dù tỉ lệ biến chứng là 10%, gần đây có sự chuyển dịch bệnh nặng sang trẻ lớn và người lớn.

Số liệu thống kê cho thấy, toàn quốc hiện có 60.000 ca nhiễm sốt xuất huyết, trong đó tử vong là 17 ca. Riêng ở BV Nhi Đồng 1, từ đầu năm đã có 3 trường hợp tử vong. Các ca này đều biến chứng suy đa cơ quan. Có trường hợp do cha mẹ chủ quan, nên khi đến BV đã sốc rất nặng, xuất huyết tiêu hoá. Tuy nhiên, có những trường hợp đến rất sớm nhưng vẫn không cứu được, bởi trẻ có những bệnh mãn tính hay có vấn đề về tiểu cầu.

"Đến sớm chỉ có thể hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Cách tốt nhất là phòng bệnh sớm, chăm sóc chu đáo và theo dõi kỹ càng cho trẻ" – BS Tuấn nói.


Trước tình hình phức tạp của dịch sốt xuất huyết, đại diện Bộ Y tế đã cử đoàn thanh tra đến làm việc tại TP.HCM.

BS Tuấn cũng chỉ ra một số sai lầm trong điều trị SXH tại nhà mà nhiều người thường mắc phải. Có thể kể đến như tuỳ tiện sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu thuốc quá liều hay quá mạnh có thể gây xuất huyết tiêu hoá, tổn thương gan. Một số bệnh nhân ăn uống kém nhưng người nhà đã vội truyền dịch khiến cơ thể phù nề, sau dẫn đến suy hô hấp.

"Những sai lầm khác trong điều trị như thói quen cạo gió cắt lễ có thể gây xuất huyết nặng hơn và thậm chí tử vong. Một số phụ huynh lau mát cho bé khi sốt bằng nước lạnh, chà chanh hoặc thậm chí dùng rượu, nhưng điều này có thể làm tổn thương những vết xuất huyết ở da bé. Có người khi thấy bé hạ sốt tưởng đã hết nên ngưng điều trị nhưng đó có thể là dấu hiệu nặng hơn nếu bé chỉ giảm sốt mà lừ đừ nhiều hơn, ói nhiều hơn" – BS Tuấn phân tích.

Thay vì vậy, BS khuyên người nhà nên cho bệnh nhân uống nước nhiều, ăn những thức ăn như cháo, súp, sữa để chóng lấy lại năng lượng. Chỉ những trường hợp bệnh nhân đau bụng nhiều, có dấu hiệu đông máu mới cho truyền dịch, song phải theo dõi sát sao tại BV để phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.

Để phòng căn bệnh nguy hiểm này, BS cho biết, cần có sự chung tay của cả cộng đồng.


BS Tuấn cho biết nhiều phụ huynh có các sai lầm trong chăm sóc trẻ sốt xuất huyết, dẫn đến bệnh nặng hơn.

"Mỗi gia đình, mỗi người cần dành mỗi ngày 10-15 phút diệt lăng quăng. Muỗi vằn thường thích sống gần người, đẻ trứng trong lu vại, chỗ nước trong. Chúng ta có thể sử dụng những phương pháp dân gian như thả cá bảy màu, dùng hương xua muỗi hay dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa" – BS Tuấn hướng dẫn.

Ngoài ra trước tình trạng quá tải giường bệnh, các BS khẳng định không chỉ riêng BV tuyến trên như Nhi Đồng 1 hay BV Bệnh Nhiệt đới, các BS ở BV tuyến dưới và các BV quận, huyện có khoa Nhi đã có rất nhiều kinh nghiệm, được chuyển giao kỹ thuật, phụ huynh có thể yên tâm mang con em mình đến đó điều trị.

HOÀNG LÊ | Trí Thức Trẻ