-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Đàn Ông chính là cần rộng lớn như Trời
25/09/2020
ôi phải khẳng định ngay nhé, rằng đàn ông chúng tôi là nạn nhân: Nạn nhân của định kiến rằng chỉ có phụ nữ mới biết hy sinh, hay đàn ông chúng tôi ích kỷ, ham vui. Rồi cái gọi là thời đại bình quyền lên ngôi, mấy anh chàng đảm đang việc nhà được người ta ca ngợi hết lời, khiến cánh đàn ông “chân chính” chúng tôi lao đao mỗi khi bị vợ đem ra so sánh.
Cái gì mà “chồng nhà người ta cũng đi làm quần quật nhưng tan làm là về nhà giúp vợ, anh lê la ngoài quán nhậu rồi kêu là đàn ông phải quảng giao. Thử hỏi được thêm cái gì ngoài bệnh tật và mất thời gian, mất tiền ra, hả?”. Rồi hàng ty tỷ những câu hỏi khó trả nhời khác của các bà, các mẹ, mà chúng tôi… không thèm trả lời.
Tôi thấy mình cũng hy sinh quá đi ấy chứ! Tôi đã bỏ ra hẳn một tháng lương để mua cái tivi màn hình phẳng đời mới về phục vụ gia đình, mỗi tội vợ và các con chẳng xem mấy mà có mỗi tôi mở bóng đá với phim bộ Mỹ xem hoài một mình. Mỗi khi vợ dọn dẹp nhà cửa, tôi ra hẳn quán bia để… không làm phiền cô ấy. Vợ mà nhờ đi đổ rác là tôi đi ngay, kết hợp giao lưu với mấy thằng bạn tới khuya luôn. Sinh nhật cô ấy, tôi còn chuẩn bị tích cóp tiền từ mấy tháng trước mua bằng được cái máy ảnh xịn xò… cho tôi, để tôi chụp ảnh cho vợ.
Nói chung là tôi có nghĩ tới vợ con nhé, nhưng sao vẫn cứ bị họ hàng, bố mẹ nhắc nhở hoài? Thỉnh thoảng vợ lại khóc lóc thút thít gì đó với các cụ, có khi lại giận dỗi vô cớ trong khi tôi chẳng hiểu gì.
Đem chuyện kể với mấy thằng bạn nhậu thì chúng nó bảo nhà nào cũng thế hết. Tôi cũng uất ức lắm, nên không phục, quyết hỏi ông anh học thông biết thạo ở cơ quan xem tôi hy sinh thế nào mới đủ đây.
Ông anh nghe chuyện mà ngồi im chẳng góp vào mấy lời a dua như thằng bạn nhậu của tôi. Để tôi nói xong ông ấy mới từ tốn hỏi lại:
– Cậu hiểu thế nào là hy sinh?
– Ôi anh, em cũng có học chữ nghĩa các cụ đấy nhé. ‘Hy’ là vật tế thần, ‘sinh’ là gia súc để cúng tế, ‘hy sinh’ là coi như chịu thiệt hại vì người khác, vì mục tiêu cao cả.
– Thế cậu xem, mấy việc cậu làm cho gia đình ấy có nên được gọi là hy sinh không? Cậu đã chịu thiệt tí nào chưa, kìm nén, buông bỏ ham muốn cá nhân vì cô ấy chưa? Đều là chỉ là khoác lên tấm khiên nghĩ cho lợi ích người khác mà núp đằng sau là phục vụ ngược lại lợi ích của bản thân cậu thôi.
Ông Khổng Tử xưa có nói thế này này: “Đời nay cho rằng hiếu là có thể nuôi nấng cha mẹ. Đến như chó ngựa, đều có thể được nuôi nấng. Không có lòng tôn kính, lấy gì để phân biệt?”. Đấy, cái câu không liên quan nhưng về ý nghĩa thì cũng rộng lớn lắm thay. Áp vào việc đối với vợ con cũng thế thôi, không có tấm lòng thì lấy gì phân biệt là chồng tốt, biết hy sinh đây? Cũng là mua quà tặng vợ, cũng là giúp vợ việc nhà, nhưng cậu chẳng xuất phát từ tấm lòng thì lấy gì phân biệt? Chẳng phải người xưa cũng nói là “bậc quân tử ắt phải thành thật ý mình” sao?
Mà người ta cứ dùng cái từ hy sinh khi nói về sự nhu thuận đảm đang của người phụ nữ, rồi nghĩ dù là chồng hay vợ thì cũng phải hy sinh thì mới sống được với nhau. Cái từ hy sinh ấy nặng nề lắm, nghe cứ như nhất định phải tế sống một phần con người ai đó, nghe nó cứ mất mát thế nào. Bí quyết thật sự của hạnh phúc là buông bỏ, mất là để mà có được, cái mất cũng chỉ toàn là điều không hay.
Anh nói thật, cậu chả chịu mất cái gì, thế thì sao mà có được. Các cụ nói: “Được mà không mất, là nỗi hổ thẹn của quân tử” đấy, có biết không?
Công nhận, ông anh nói cũng có lý. Mấy thằng nhóc bạn của vợ (tôi gọi thế vì chúng nó kém tôi cả chục tuổi) vẫn hay xuất hiện trong câu chuyện kể của vợ tôi cũng có vẻ mất mát khá nhiều nên mới được gọi là “soái ca” này nọ. Trước hết là tôi thấy chúng nó mất hết cả hình ảnh nam nhi đại trượng phu khi cứ bế con, ru con ngủ cho vợ lén chụp hình… đăng facebook.
Nhưng mà cũng lại có câu rằng: “Quân tử không làm trái đức Nhân dù chỉ trong một bữa ăn” (ý nói dù trong một khoảng thời gian rất ngắn). Đức Nhân ấy chính là biết nghĩ cho người khác, nâng đỡ họ trên đôi vai mình. Vì giúp vợ con mệt mỏi mà không há gì cái danh hão thì cũng là Nhân mà nhỉ? Thế thì giúp vợ đâu có mất hình ảnh, chỉ mất cái danh hão thôi.
Thời thanh niên tôi cũng đọc đủ loại sách vở kim cổ, chữ nghĩa các cụ cũng đã đọc qua nhưng lại chưa thấm nhuần. Giờ mới nhớ ra cái câu nổi tiếng ai cũng biết: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, vậy mà mình lại chưa hề làm được từ cái chữ đầu tiên. Hầu hết cánh đàn ông chúng tôi khi say sưa bên bàn nhậu, khoác lác về “tề gia” đều nghĩ là mình phải giáo huấn vợ con, phải cho vợ biết vai vế trong gia đình cho rành mạch, không được lạm quyền chồng, phải nhu thuận mà lo việc phù hợp với thiên chức của người vợ…
Nhưng cái “tề gia” ấy đâu có phải là áp đặt, nó chính là kết quả của “tu thân” mình cho đúng. Tôi còn nhớ trong sách Đại Học, chương “Chính tâm, tu thân” có viết đại ý rằng: nếu còn điều tức giận, sợ hãi, ham vui, lo buồn thì không được chính đáng. Nghĩa là sống sao cho không còn điều gì có thể khiến mình tức giận, sợ hãi và ham hố những thú vui vô bổ thì mới là chính đáng. Nếu như hai người sống với nhau, ai cũng dẹp đi những ham muốn cá nhân ảnh hưởng tới lợi ích chung thì hiển nhiên gia đình sẽ yên vui, hạnh phúc. Vui sướng một mình thì dễ, đem vui sướng cho người khác mới thực là khó thay.
Mà ở đời, có ai vui sướng một mình được mãi đâu? Thằng bạn nhậu thân ái nhất rồi cũng sẽ chẳng thể uống mãi với mình, chăm lo mình lúc mình say, càng chẳng thể đút cho mình từng thìa cháo khi mình lăn lóc trong bệnh viện vì ung thư gan do uống nhiều rượu… (nói quở thế chứ cũng phải nghĩ tới mức đó mới thấy sợ, các bác ạ!).
Nói chung muốn được vợ tôn trọng, thì trước hết mình phải tôn trọng và tận tâm với vợ. Không những phải dụng tâm trong mọi việc mình làm cho gia đình, trong cách đối đãi và quan tâm, mà còn phải tận tâm nữa. Nghĩa là hết lòng mình, là sự chân thành từ trong nhận thức chứ không chỉ hình thức bề mặt, không chỉ dừng lại ở những lời chót lưỡi đầu môi. Người ngay bên cạnh đi với mình tới hết cuộc đời mà mình còn chẳng tận tâm được, thì có thể tận tâm với việc gì nữa đây? Càng chẳng thể nghĩ tới việc lớn lao nào khác!
Bởi việc lớn là gì? Là việc có thể mang lại lợi ích cho nhiều người khác hay còn gọi là việc nghĩa. Càng mang lại lợi cho nhiều người thì càng lớn lao, nào phải cái việc tôi có thể lên tới chức vụ cao thế nào, mang lại thu nhập nhiều bao nhiêu? Thế nên, nếu hiểu việc lớn là việc nghĩa, thì chắc chắn không thể không bắt đầu từ việc nhỏ là tận tâm với người xung quanh mình. Khi nói: ‘Đàn ông cần rộng lớn như Trời’, thì không phải chỉ là người đàn ông có chí hướng cao xa, tâm hồn bao dung rộng lượng; càng không phải là kiểu người quảng giao đàn đúm với bạn bè cho nhiều, mà chính là có thể chở che, là mái nhà vững chắc cho chính gia đình mình trước đã.