Ngày Giáng Sinh sao lại của toàn thế giới

25/09/2020
nga-y-gia-ng-sinh-sao-la-i-cu-a-toa-n-the-gio-i

Trong tuần qua, dù chưa chính thức đến Lễ Giáng sinh nhưng không khí mùa lễ hội này đã tràn ngập khắp địa cầu, từ Á sang Âu, từ Phi đến Mỹ, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tại sao một lễ hội trước đây vốn chỉ của người Kitô giáo, nay lại lan truyền rộng rãi và trở nên phổ biến như vậy?

Mặc lấy thân phận thường nhân

Mọi chuyện bắt đầu vào một đêm đông lạnh giá cách nay hơn 2.000 năm. Khi đó, một đôi vợ chồng nghèo trên đường về quê để kê khai hộ tịch theo lệnh của nhà cầm quyền. Lúc ngang qua thành Bethlehem xứ Judea, vì không thuê được chỗ trọ nên họ phải tìm một hang lừa để tá túc qua đêm. Trong đêm đó, người vợ đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, hạ sinh một hài nhi ngay trong hang lừa và đặt nằm trong một máng cỏ đơn sơ.

Hài nhi sinh ra trong cảnh nghèo hèn đó chính là Chúa Giêsu Kitô (Jesus Christ), người sẽ mang lại giao ước mới giữa con người và Thiên Chúa, người sẽ hy sinh mạng sống của chính mình để đền tội cho mọi con dân của Ngài. Lễ Giáng sinh hiện nay là để mừng kỷ niệm Ngài ra đời.

Máng lừa
Chúa Giê-su mặc lấy thân phận thấp hèn để đến độ nhân.

Theo sách Phi-lip, “Chúa đã tự bỏ mình đi, lấy hình hài tôi tớ và trở nên giống như loài người”. Tại sao Đức Chúa lại xuất hiện dưới thân phận một con người có địa vị thấp hèn, cũng có thân thể yếu đuối dễ tổn thương của loài người, cũng biết sợ nóng sợ lạnh, sợ đói sợ khát?

Giả sử Chúa Giê-su không giáng sinh như một người bình thường, mà xuất hiện như một vị Thần quyền uy, mang theo đầy đủ thần thông và hào quang, thì ngay những kẻ bất lương tàn ác đến mấy cũng muốn đi theo ngài dù không thực tu. Khi đó, sẽ không còn phân biệt giữa người có đức tin và không có đức tin, không còn giá trị của sự ngộ đạo.

Không riêng Chúa Giê-su, mà tất cả các bậc Giác giả xưa nay đều đến trong thân phận con người để độ nhân, cho dù đó là một vương tôn hoàng tử như Phật Thích Ca, hay chỉ là con một bác thợ mộc nghèo hèn như Chúa Giê-su.

Con người phải nhận ra được những vị Chân Sư của đời mình ở giữa biển người trên thế gian, thì mới có thể tìm được một con đường để quay trở về với sự thiện lương vốn có của mình, cũng chính là con đường để trở về ngôi nhà thật của sinh mệnh.

Điều này thoạt nghe tưởng chừng như một nhiệm vụ bất khả thi, như mò kim đáy bể. Tuy nhiên, một dấu hiệu rõ ràng để nhận biết là tất cả các Giác giả, dù giáng sinh trong thân phận nào, cũng đều mang theo mình những lời giáo huấn kinh thiên động địa, có sức thay đổi lớn với đạo đức nhân loại theo hướng tích cực.

Hãy nhìn vào trường hợp Chúa Giê-su, Ngài đã răn dạy các môn đồ như thế nào?

Thánh sử Ma-thi-ơ đã ghi lại một số lời răn dạy của Chúa Giê-su với các môn đồ: “Các con nghe lời dạy rằng: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Nhưng Ta bảo các con: Đừng chống cự kẻ ác. Nếu ai vả má bên phải, hãy đưa luôn má bên kia cho họ” (Mt 5, 38-39). “Các con có nghe lời dạy: ‘Hãy thương người láng giềng và ghét kẻ thù địch’. Nhưng Ta bảo các con: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con” (Mt 5, 43-44).

‘Nâng cấp’ đạo đức xã hội

Thoạt nghe, những lời dạy của Chúa Giê-su quá đỗi lạ lùng. Ai lại đi yêu kẻ thù của mình, và để cho kẻ ác muốn làm gì thì làm? Nhưng hãy nghe lời giải thích của chính Chúa Giê-su, được ghi lại bởi thánh sử Luca:

“Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Phải có lòng nhân từ” (Lc 6, 27-35).

Chúa Giê-su
Chúa Giê-su đang rao giảng tin mừng.

Có thể nói, những lời Chúa Giê-su rao giảng khi độ nhân đã thổi một làn gió mới mẻ vào nhận thức của con người về các chuẩn mực đạo đức, về phân biệt thiện ác, tốt xấu. Ngài đã đến để “nâng cấp” đạo đức nhân loại lên một nấc thang mới, để hoàn thiện các chuẩn mực cũ. “Các con nghe lời dạy cho người xưa rằng: ‘Chớ giết người. Ai giết người thì bị trừng phạt’. Nhưng Ta bảo các con: Ai giận anh em mình thì đáng bị trừng phạt. Ai mắng anh em mình là ngu xuẩn thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là điên khùng thì đáng bị ném vào lửa hỏa ngục” (Mt 5, 21-22). “Các con đã nghe lời dạy rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta dạy các con rằng: Hễ ai nhìn đàn bà với lòng ham muốn người ấy, thì đã ngoại tình trong lòng rồi” (Mt 5, 27-29).

Như vậy, Chúa Giê-su yêu cầu tất cả những người đi theo mình phải tu bỏ nhân tâm, trở nên toàn hảo như một vị Thần. “Thế thì, các con hãy toàn hảo, như Cha các con ở trên trời là Đấng toàn hảo (Mt 5, 48). Ngài không hề chấp nhận thái độ nửa vời. “Nếu con mắt bên phải gây cho con phạm tội, hãy móc mắt ấy ném xa khỏi con, vì thà một phần thân thể bị hủy hoại hơn là cả thân thể bị ném xuống hỏa ngục. Nếu tay phải gây cho con phạm tội, hãy chặt bỏ đi, vì thà một phần thân thể bị hủy hoại còn hơn là toàn thân đi vào hỏa ngục” (Mt 5, 29-30).

Ngài cũng giải thích rõ vì sao con người phải sống tốt, phải trở nên trọn lành. “Các con đừng tích trữ của cải dưới đất là nơi mối mọt và gỉ sét làm hủy hoại và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ của cải các con ở trên Trời, là nơi mối mọt không thể hủy hoại và kẻ trộm cũng không khoét vách lấy được” (Mt 6, 19-20). Hay nói cách khác, tất cả những được mất thế gian đều sẽ hư mất, chẳng còn lại gì khi ta nhắm mắt xuôi tay, chỉ có cuộc sống đời sau mới là vĩnh hằng. Vậy hãy trở nên toàn hảo để có một cuộc sống đời sau toàn hảo.

Có đức tin sẽ có tất cả

Nhiều người có thể sẽ đặt vấn đề: Nhưng trước hết tôi phải sống cuộc đời này đã chứ? Còn phải cơm áo gạo tiền, nhà cửa con cái… Về vấn đề này, Chúa Giê-su cũng đã giảng rất rõ:

“Vì thế Ta bảo các con: Đừng lo lắng cho cuộc sống, lo mình sẽ ăn gì, uống gì, hay thân thể mình sẽ mặc gì. Mạng sống chẳng quý hơn đồ ăn và thân thể chẳng quý hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời, chúng chẳng gieo, chẳng gặt, cũng chẳng tồn kho tích trữ, nhưng Cha các con ở trên trời vẫn nuôi chúng. Các con không quý hơn loài chim sao? Có ai trong các con nhờ lo lắng mà có thể thêm cho đời mình một khoảnh khắc nào không?” (Mt 6, 25-27).

“Còn việc ăn mặc, sao các con lo lắng mà làm chi? Hãy xem hoa huệ ngoài đồng mọc thế nào. Chúng không phải làm việc khổ nhọc, cũng chẳng kéo chỉ, nhưng Ta phán bảo các con, dầu Vua Sô-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không thể mặc đẹp bằng một trong các hoa huệ kia. Một loài hoa dại ngoài đồng, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà Đức Chúa Trời mặc cho chúng như thế, còn các con không quý hơn để Ngài chu cấp quần áo cho sao, hỡi những kẻ ít đức tin?” (Mt 6, 28-30).

“Vậy, đừng lo lắng mà hỏi rằng chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hay là mặc gì? Vì tất cả những điều này, người ngoại vẫn tìm kiếm và Cha các con ở trên trời biết các con cần tất cả những điều ấy. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, rồi Ngài sẽ ban thêm cho các con mọi điều ấy nữa. Thế thì, đừng lo sợ cho ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Nỗi lao phiền trong ngày cũng đủ quá rồi!” (Mt 6, 31-34).

Có đức tin sẽ có tất cả.

Ngày nay, trên khắp địa cầu đã có đông đảo những người tin theo Chúa Giê-su. Và ngày lễ Giáng sinh năm nay, hàng tỷ người trên thế giới cùng đổ ra đường ăn mừng, tung hô Con Thiên Chúa. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, mình đã thực hành đúng như lời Chúa Giê-su răn dạy hay chưa?

Nhiều người trong các hội thánh Kitô hữu hàng ngày rất tự hào khi nói rằng mình là tín đồ của Chúa Giê-su Kitô, nhưng nếu chúng ta tin mà không làm theo lời Ngài dạy thì có tác dụng gì? Những giáo luật chúng ta tuân giữ, những lời kinh câu hát chúng ta xưng tụng hàng ngày sẽ có ý nghĩa gì nếu chúng ta không làm theo lời của Đấng mà chúng ta xưng tụng, chúng ta tin theo?

Triều Thiên