Muỗi Vằn Gây Sốt Xuất huyết

25/09/2020
muoi-van-gay-sot-xuat-huyet
Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao; ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. 
 

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, hiện nay vẫn còn nhiều người có những nhận thức không đúng về bệnh sốt xuất huyết Dengue dẫn đến những hậu quả khôn lường cho tính mạng. Dưới đây là một số khuyến cáo của bác sĩ Cấp về nhận diện, cách phòng tránh và điều trị khi bị mắc dịch sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết Dengue là gì

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội. Những trường hợp bệnh nặng có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em.

Dịch SXHD thường xảy ra vào thời gian nào

Bệnh SXHD thường tăng nhiều vào các tháng mùa mưa, có nhiệt độ trung bình cao. Ở nước ta, khu vực miền nam và miền trung bệnh xuất hiện quanh năm, ở miền bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Cứ khoảng 3-5 năm một lần lại có một vụ dịch SXHD lớn hơn xảy ra, điều này có thể liên quan đến chu kỳ thay đổi của khí hậu làm tăng nhiệt độ và mức độ mưa.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue lây truyền ra sao. Chăm sóc người bệnh SXH có thể bị lây bệnh không?

Bệnh sốt xuất huyết dengue lây truyền qua muỗi đốt. Muỗi vằn (Aedes) hút máu người bị bệnh sau đó mang vi rút, khi chúng đốt người lành sẽ lây truyền vi rút Degue sang người cho lành.

Bệnh SXHD không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, nên chăm sóc người bệnh SXH không bị lây. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh để muỗi đốt vì muỗi có thể truyền bệnh từ người bệnh sang người lành.

Nhận diện loại muỗi có thể truyền bệnh SXHD như thế nào

Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh SXH. Ở Việt Nam có hai loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đây là loài muỗi nhỏ, màu đen hoặc hơi nâu đen. Trên thân mình và chân có các vằn trắng, ưa thích hút máu người. Muỗi hoạt động trong môi trường ánh sáng yếu. Chúng thường tăng cường đốt người vào buổi sáng sớm và chiều tà hoặc hoạt động cả ngày trong những căn phòng thiếu ánh sáng.

Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các xó tối trong nhà, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch trong khu dân cư như các vũng nước mưa, các mảnh vỡ, vỏ lon, vỏ chai đọng nước, thậm chí cả trong những lọ hoa, chum vại, bể nước.

tin nhap 20160823231341
Bệnh sốt xuất huyết dengue lây truyền qua muỗi đốt. Muỗi vằn (Aedes) hút máu người bị bệnh sau đó mang vi rút, khi chúng đốt người lành sẽ lây truyền vi rút Degue sang người cho lành. (Ảnh minh họa).

Người đã từng mắc bệnh SXHD có thể mắc lại không

Hiện có bốn típ vi rút Dengue gây bệnh SXHD là D1, D2, D3, D4. Khi người bệnh nhiễm vi rút lần đầu thường bệnh nhẹ và có miễn dịch với típ đó. nhưng khi tái nhiễm típ vi rút khác thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn thành sốt xuất huyết Dengue.

Biểu hiện của SXHD là gì

Sau khi bị muỗi truyền vi rút 3-6 ngày, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện khác nhau theo từng giai đoạn:

Giai đoạn 1: Nhiễm vi rút huyết, thường kéo dài 2-5 ngày. Bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, đau nhức vùng hốc mắt, có thể đau họng, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Các biểu hiện này không đặc hiệu và cũng tương tự như các sốt vi rút khác. Người bệnh có thể chỉ cần uống thuốc hạ sốt, uống dung dịch oresol tăng cường ăn hoa quả, bổ xung vitamin và có thể điều trị theo đơn tại nhà.

Nếu mới nhiễm vi rút Dengue lần đầu bệnh tự khỏi sẽ sau 7-8 ngày. Nếu người bệnh tái nhiễm vi rút Dengue type khác, bệnh sẽ diến biến nặng thành SXHD với các giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2: Tăng thấm thành mạch và giảm tiểu cầu kéo dài 2-3 ngày. Đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Người bệnh nên điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân đỡ sốt nhưng có tình trạng giảm tiểu cầu trong máu và tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch và cô đặc máu. Người bệnh có thể xuất hiện các nốt chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh hoặc kinh nguyệt bất thường. Nếu tiểu cầu hạ quá nhiều có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt. Nếu thoát dịch và cô đặc máu nhiều có thể dẫn đến sốc Dengue rất nguy hiểm. Tùy thuộc tình trạng thoát dịch, hạ tiểu cầu nhiều hay ít mà thầy thuốc quyết định việc bệnh nhân có cần truyền dịch, truyền máu hay không.

Giai đoạn 3: Tái hấp thu dịch và hồi phục tiểu cầu. Sau khi thoát dịch 24 – 48 giờ, cơ thể sẽ tái hấp thu dịch lại. Giai đoạn này không nên truyền dịch vì có thể gây quá tải dịch.

Trong giai đoạn này tiểu cầu bệnh nhân bắt đầu hồi phục dần.

Làm thế nào để phân biệt với sốt do vi rút khác?

Trong giai đoạn nhiễm vi rút huyết, biểu hiện của SXHD không khác nhiều so với các bệnh sốt vi rút khác. Trong mùa dịch SXHD nếu xuất hiện sốt, đau đầu nhiều, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu diễn biến nặng.

Xét nghiệm quan trọng nhất để hỗ trợ điều trị SXHD là xét nghiệm công thức máu. Nó giúp thầy thuốc quyết định có cần truyền dịch, truyền máu hay không, số lượng cần truyền bao nhiêu. Xét nghiệm này có thể thực hiện được ở tất cả các bệnh viện và hầu hết các phòng khám khu vực.

tin nhap 20160823231341
Khơi thông các vũng nước đọng và phun thuốc diệt muối nếu môi trường có quá nhiều muỗi trưởng thành. (Ảnh minh họa).

SXHD có thể điều trị ở đâu?

Giai đoạn 1 của bệnh SXH, biểu hiện và xử trí tương tự sốt vi rút thông thường nên người bệnh có thể điều trị ngoại trú theo đơn.

Giai đoạn 2 là giai đoạn có thể có nhiều biến chứng nặng nên người bệnh nên đến cơ sở y tế để điều trị. Sốt xuất huyết hoàn toàn có thể điều trị ở các tuyến cơ sở. Chỉ những trường hợp có biến chứng nặng như sốc Dengue gây suy đa tạng, hạ tiểu cầu gây chảy máu hoặc đe dọa chảy máu nghiêm trọng mới cần điều trị tại các tuến y tế cao hơn.

Những điểm gì cần lưu ý đặc biệt khi bị mắc sốt xuất huyết

Các biến chứng nặng của SXH thưởng xảy ra ở giai đoạn 2. Mặc dù lúc này bệnh nhân đã đỡ sốt nhưng vẫn không được chủ quan mà cần đến cơ sở y tế khám và xét nghiệm máu hàng ngày. Nếu người bệnh có các dấu hiệu đe dọa: Mệt lả, nôn hoặc buồn nôn liên tục, bứt rứt vật vã, chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc kinh nguyệt kéo dài, ở trẻ nhỏ có thể có li bì, bỏ bú, đái ít tay chân lạnh cần phải đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Phòng ngừa SXHD bằng cách nào?

Để phòng tránh SXHD, cần tránh bị muỗi đốt. Phòng tránh cá nhân bằn cách diệt muỗi trong nhà, nằm màn, mặc quần áo dài tay sử dụng hương muỗi hoặc các hóa chất xua đuổi côn trùng. Phòng bệnh cho tập thể bằng cách bảo đảm vệ sinh môi trường, diệt ấu trùng muỗi (loăng quăng) bằng cách thả cá, làm lưới đậy cho những chum, bể nước, loại bỏ các vật dụng, mảnh vỡ đọng nước. Khơi thông các vũng nước đọng và phun thuốc diệt muối nếu môi trường có quá nhiều muỗi trưởng thành.

Người mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue có bị tái lại?

Bệnh sốt xuất huyết Dengue do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ 4.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue thường sinh sản ở đâu?

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và khu vực quanh nhà như bể, thùng, lu, vại, thạp chứa nước sạch; chai lọ, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng có chứa nước đọng. Thậm chí trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng, khi gặp nước trứng sẽ nở ra. Trong suốt đời, muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần vài chục trứng.

Ở Việt Nam bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xuất hiện ở đâu?

Ở Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành rất phổ biến. Bệnh xuất hiện cả ở 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Tuy nhiên bệnh ghi nhận nhiều nhất ở các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, một số tỉnh đồng bằng và duyên hải Bắc bộ. Các tỉnh miền núi phía Bắc bệnh ít gặp hơn. Hàng năm Việt Nam ghi nhận trung bình từ 80.000 đến 100.000 trường hợp mắc, trong đó có hàng chục ca tử vong. Những khu vực đông dân cư có tập quán chứa nước sạch ở nhiều loại dụng cụ, nơi công trường xây dựng, khu vực đang đô thị hóa, nơi có nhiều đồ vật phế thải chứa nước mưa là những nơi rất thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue bùng phát.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xảy ra vào thời điểm nào trong năm?

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao; ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11.

Trong năm Bệnh sốt xuất huyết Dengue phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Chu kỳ của dịch sốt xuất huyết Dengue khoảng 3-5 năm một lần. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra.

Lứa tuổi nào dễ bị mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue?

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút Dengue đều có thể bị nhiễm vi rút Dengue và mắc bệnh. Tuy nhiên, ở vùng bệnh lưu hành nặng như miền Nam và nam Trung bộ nước ta tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em dưới 15 tuổi thường cao hơn, còn ở các vùng khác khả năng mắc bệnh của trẻ em và người lớn là như nhau.

Cách phòng bệnh

Hiện nay bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Nếu không có bọ gậy/lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh sốt xuất huyết. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy /loăng quăng tại hộ gia đình cụ thể như sau:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy/loăng quăng: đậy kín và thả cá ăn bọ gậy tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt như bể, chum vại, lu, khạp, các vật dụng chứa đựng nước; thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp thường xuyên; vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ...; loại bỏ các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre, nứa quanh nhà; bỏ muối vào các bát nước kê chân chạn (tủ đựng chén bát).

- Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài che kín tay chân; ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày; dùng các biện pháp thông thường để xua và diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong các hộ gia đình. Người bị sốt xuất huyết hoặc nghi bị mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết Dengue cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.

dietcontrung365.com - Hoàng Dịu

Theo Đời sống & Pháp lý