Cha Mẹ - Phật Trong Nhà

25/09/2020
cha-me-phat-trong-nha

Dưới cái nắng mùa hè bỏng rát mười ba năm về trước, mẹ về nhà, khi tôi đã làm sai một việc gì đó, me bắt đầu to tiếng và quát mắng: "Biết thế tao bóp chết mày ngay từ lúc sinh ra, chứ không phải tốn công nuôi mày lớn thế này để nói câu nào mày cãi nhem nhẻm câu đấy thế này!"

Nước mắt tôi dàn dụa, chẳng nói thành lời. Muốn cãi mẹ tiếp, nhưng buồn tới nỗi, chẳng còn cãi nữa. Cứ khóc không thành tiếng. Trong suy nghĩ của một đứa con gái mười lăm tuổi khi ấy, tôi thầm tự nhủ: "Giá như mẹ đừng sinh mình ra, chứ sinh mình ra, rồi nói như vậy, để làm gì? Mình đâu có ép mẹ phải đẻ mình ra đâu?". Rất muốn nói với mẹ như thế, nhưng chẳng dám. Cứ ôm cái ấm ức ấy trong lòng, nhiều thật nhiều khiến mẹ con xa cách nhau.

Hôm ấy, không phải là lần đầu tiên mẹ mắng tôi như vậy. Mẹ đã từng nói như thế rất nhiều lần. Nhiều tới nỗi tôi luôn tự hỏi tôi có phải con của mẹ thật hay không?

Nhưng giờ đây, khi tôi đã trưởng thành, đã làm mẹ, mỗi lần đùa với mẹ là sao ngày xưa mẹ mắng con nhiều thế? Lại còn hay đánh con suốt ngày nữa, thì mẹ lại xua tay: "Mày chỉ được cái nhớ mới nhớ cũ. Điêu nó vừa thôi, tao nói thế bao giờ?"

Năm tháng tuổi thơ, hay những giai đoạn dậy thì nhạy cảm, mọi lời la mắng của mẹ, như một vết xước lớn, khiến tôi tổn thương, khiến trái tim tôi nặng trĩu. Khiến cho bản thân tôi trở nên nổi loạn, bất cần. Những cái tôi quá lớn ấy, khiến tôi không thể đủ tỉnh táo, để phân tích, để nhìn nhận, để cảm thấy rằng: À, thì ra mẹ không cố ý làm tổn thương mình.

Hồi đó, mỗi ngày mẹ đều đạp xe đạp lên xưởng, nấu cơm cho biết bao công nhân, từ sáng đến tối, trời nắng cũng như trời mưa. Mẹ chỉ đội một cái nón lá, tất bật giữa những trưa hè oi ả, hoặc mặc một cái áo mưa giấy mỏng tang, vượt gió trên những đoạn đường dài hối hả ngược xuôi.

Tâm sự của tôi, mẹ không còn thời gian lắng nghe. Lỗi lầm của tôi, khiến sự mệt mỏi của mẹ tăng lên nhiều quá. Và trong những lúc tức giận, có thể mẹ đã lỡ lời, có thể mẹ chưa từng cố ý làm tổn thương tới tôi, nhưng tôi đã không hiểu được.

Bây giờ, mẹ tôi phụ giúp tôi trông con mỗi khi tôi đi làm. Bà ngoại rất hiền, bà ngoại không bao giờ nặng lời mắng nhiếc Bìn Min. Bìn Min rất yêu bà ngoại. Tưởng chừng như mẹ tôi chăm cháu, khác xa cách mẹ từng chăm con. Khi tôi trưởng thành, tự lo được cho bản thân và gia đình mình, gánh nặng của bố mẹ đã không còn nhọc nhằn như xưa nữa... Tính tình mẹ cũng trở nên đằm lại và dịu đi nhiều.

Và cũng bởi tôi làm mẹ rồi, nên tôi hiểu mẹ mình hơn. Rằng cuộc sống của chúng ta khi trưởng thành, lúc đã có gia đình, có rất nhiều rất nhiều thứ cần vun vén, chăm lo, còn miếng cơm manh áo trĩu nặng trên vai mỗi ngày với rất nhiều áp lực. Đôi khi mệt mỏi, khiến chúng ta tức giận, khiến chúng ta chẳng thể kiểm soát nổi cơn nóng nảy của bản thân. Nói những điều không cố ý, làm những việc, cảm thấy sai lầm.

Tôi không muốn làm tổn thương con cái mình. Từng bài học thời thơ ấu, tôi khắc ghi trong tâm trí, để con cái tôi bây giờ và cả sau này nữa, sẽ không bị lời nói hay hành động dù vô ý của tôi làm cho thương tổn. Trẻ con khi chưa thể hiểu đúng, rất có thể sẽ hiểu sai.

Lúc này, tôi cũng không trách bố mẹ mình, không còn giận những lời nói nặng của mẹ khi xưa, vì thực lòng tôi đã hiểu, mẹ đã cố gắng rất nhiều, bằng cả tuổi xuân của mẹ để nuôi nấng tôi trưởng thành. Tôi cảm thấy rất có lỗi, vì khi xưa còn nhỏ dại đã từng nghĩ oan cho mẹ như thế, đã từng oán giận mẹ chẳng yêu thương mình. Là tôi không đúng.

Tôi chưa bao giờ to tiếng với các con mình. Mặc dù ai cũng nói tôi là người bốc đồng và dễ nổi nóng. Nhưng từ khi có con, bên cạnh con, tôi luôn kiên nhẫn, vẫn luôn nhẹ nhàng.

Mọi thứ trên đời đều có giá trị của nó nếu ta tìm được đúng góc độ để đón nhận. Và việc bị mắng mỏ khi bé giúp tôi có kinh nghiệm để không lặp lại điều đó với con cái mình.

Giờ đây, một vài tuần nữa nữa tôi bước sang tuổi 29, ngấp nghé tuổi 30 với 3 đứa con nhỏ, tôi hiểu tâm trạng của một người mẹ yêu thương con vô bờ và chẳng trông chờ điều gì ngoài việc các con mình trưởng thành khoẻ mạnh và hạnh phúc.

Chính vì vậy, mỗi lần khi nghe thấy một người trẻ nông nổi nào đó, nói những câu tổn thương cha mẹ mình, tôi đều cảm thấy đau xót: "Tại sao bà còn sinh ra tôi?"..... Đừng bao giờ cứa nhát dao ấy vào lòng cha mẹ bạn. Cha mẹ bạn đã sinh ra bạn bằng tất cả tình yêu thương. Nếu chẳng may có một vài lần tức giận lỡ lời, có thể ngay lúc đó bạn chẳng tài nào hiểu nổi.... Nhưng đừng nói những câu khiến ba mẹ đau lòng. Bởi những gì cha mẹ bạn vì bạn mà cố gắng, vì bạn mà đi qua, có thể bạn chưa bao giờ nhìn thấu được.

Tuổi trẻ của chúng ta thường hay ích kỷ. Có thói quen làm quá nỗi đau của mình nhưng xem thường nỗi buồn của người khác. Đáng buồn thay, chúng ta thường xuyên làm như thế, trong chính gia đình mình, mà thậm chí còn không hề nhận ra, không hề hay biết.

Khi các bạn trách móc cha mẹ không hiểu mình, có bao giờ các bạn tự hỏi, các bạn đã hiểu được cha mẹ hay chưa?

Chúng ta thường ghi nhớ sâu sắc điều đã làm mình tổn thương. Một câu nói một trận đòn của bố mẹ, có khi cả đời nhớ mãi, cả đời trách cứ.

Nhưng chúng ta lại rất hãy lãng quên những tổn thương mình gây ra cho người khác. Xem nó như chưa từng có. Xem đó chẳng phải lỗi của mình. Bạn có chắc chắn rằng mình chưa từng làm tổn thương, buồn lòng cha mẹ hay không? Hay bạn đã từng làm điều đó mà thậm chí còn không thèm để tâm chú ý tới?

Tất nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Suy nghĩ của tôi có thể không đúng và chẳng phù hợp với tất cả mọi người.... Nhưng ở trong thời đại nào, chữ "hiếu" vẫn là đạo nghĩa mà chúng ta - mỗi con người đều cần thấu hiểu. Đừng nghĩ rằng cha mẹ nuôi bạn lớn để kể công, và trông mong bạn báo đáp.... Đừng so đo với cha mẹ những tiểu tiết nhỏ nhoi.... Bởi cha mẹ chẳng thể ở bên bạn suốt cuộc đời, bạn đối xử với cha mẹ tốt được ngày nào, đó là may mắn là phước phần của bạn...Sống trên đời sống, đừng chỉ sống cho riêng mình.